Posted on: 2024/06/23 | KIẾN THỨC BOXING
LÀM SAO ĐỂ ĐẤM MẠNH HƠN TRONG VÕ THUẬT – PHẦN 1: Chuỗi động học - Kinetic chain!
LÀM SAO ĐỂ ĐẤM MẠNH HƠN? – PHẦN 1
[CHUYÊN MỤC KỸ THUẬT] Chuỗi động học - Kinetic chain!
Như các bạn đã biết, sức mạnh của cú đấm được tạo nên từ tập hợp các chuyển động phức tạp chứ không phải chỉ đến từ cơ cánh tay. Nghiên cứu cho thấy sự đóng góp của cơ cánh tay chỉ là 24%, ít hơn nhiều so với thân (37%) và chân (39%). Chính sự tổng hợp các lực tuần tự, được phối hợp nhịp nhàng mới quyết định lực đấm. Sự phối hợp của chuỗi chuyển động này gọi là Kinetic chain – Chuỗi động học.
Hầu hết sức mạnh được tạo ra bởi một chuyển động là sự kết hợp của động tác gập lòng bàn chân, duỗi gối và hông, xoay thân và duỗi cánh tay. Tập hợp chuyển động này gọi là Kinetic Linking – Liên kết động học. Lực và tốc độ tối đa của cú đấm bắt đầu bằng việc huy động các cơ ở chân và đường dẫn lực đi qua cơ thể con người đến điểm va chạm.
Sau khi hiểu được lực tạo ra từ đâu, chúng ta cần biết cách tạo ra lực đó.
Để tung ra những cú đấm mạnh và nhanh, phần dưới cơ thể phải tạo ra một lực lớn cực kỳ nhanh chóng. Các cơ lõi (core) và cơ hông phải đủ khỏe để truyền lực này qua phần giữa, đến vai và sau đó là cánh tay, cơ cánh tay phải đủ cơ động để tung nắm đấm về phía mục tiêu một cách hiệu quả. Tất cả điều này được thực hiện nhịp nhàng.
Tình trạng căng, yếu hoặc rối loạn chức năng ở các phần khác nhau của chuỗi động học có thể ảnh hưởng tiêu cực đến việc truyền lực và cũng có thể làm tăng nguy cơ chấn thương do cơ bắp ở các khu vực khác buộc phải bù đắp.
Người tập nên tập trung vào việc cải thiện tốc độ phát triển lực của phần dưới cơ thể, khả năng vận động của hông, sức mạnh cơ lõi, khả năng vận động xoay/vai và quan trọng nhất là kỹ thuật để cải thiện hiệu quả của chuỗi động học của họ.
"Chuỗi động học - Kinetic chain"
Những điều cần lưu ý để cải thiện kinetic chain:
- Tập luyện sức mạnh phần dưới cơ thể đặc biệt quan trọng để tạo ra phản lực với mặt đất. Vì phần dưới cơ thể phải vượt qua trọng lực để bắt đầu tạo ra động lượng, những bài jump squat hoặc bật nhảy cao là những gợi ý tuyệt vời.
- Động năng được truyền từ phần dưới cơ thể lên phần trên cơ thể xảy ra ở vùng bụng. Vai trò của cơ vùng bụng trong việc truyền lực này cung cấp một cái nhìn sâu sắc về cách chúng nên được tập luyện - chủ yếu với các bài tập chống xoay/chống duỗi để rèn luyện sức mạnh của cơ lõi.
- Khi lực được truyền đến phần trên cơ thể, sự co cơ mạnh mẽ của cơ ngực, cơ vai và cơ tam đầu (bắp tay sau) được kết hợp với sự co cơ của cơ kéo ở phía đối diện để tạo ra động tác gập vai và xoay bên trong để thực hiện động tác đấm.
- Đối với phần trên cơ thể, trọng tâm là tác dụng lực lên mục tiêu càng nhanh càng tốt và do đó, các bài tập cải thiện sự nhanh nhẹn và tập sức mạnh với kháng lực vừa phải có thể mang lại hiệu quả tốt nhất
- Kết hợp các bài tập sử dụng nhiều phân đoạn của chuỗi động học để xây dựng các chức năng hình thành mô hình chuyển động của bạn.
Do vậy để có được lực đấm mạnh hơn các bạn phải có kỹ thuật đấm đúng, như vậy sự tham gia của các nhóm cơ như chân, thân, cánh tay mới thực sự được tối ưu. Chúc các bạn tập vui!